Chữ Tín là một thương hiệu ngầm trong kinh doanh
Chữ Tín là uy tín, sự thủy chung trước sau như một, không thay lòng đổi dạ, dù hứa hẹn một việc nhỏ cũng chẳng sai lời. Chữ Tín trước hết phải là Tín với bản thân mình. Nói được – làm được trước hết là tôn trọng bản thân mình. Khi đã tôn trọng bản thân mình thì sẽ hiểu được sự cần thiết phải giữ chữ Tín với người khác.
1.Câu chuyện thứ nhất về chữ tín:
- Ăn rau không chú ơi! Một giọng khàn khàn, run run làm gã giật mình. Gã ngoảnh lại sau lưng, một bà già lưng còng cố ngước lên nhìn một cô gái mặc chiếc áo khoác hàng hiệu. Bên cạnh bà là mẹt rau chỉ còn vài mớ rau muống nhàu nhĩ.
- Ăn hộ tôi mớ rau. Giọng bà cụ vẫn khẩn khoản.
- Rau thế này bà mang về cho lợn ăn! Cô gái buông lời chan chát rồi phẩy tay đi thẳng.
Gã ngoái lại nhìn cô gái, cau mày đợi cô gái đi khuất. Gã đến nói với bà:
- Rau này bà bán bao nhiêu?
- Hai nghìn một mớ - Bà cụ mừng rỡ.
Gã rút tớ mười nghìn đưa cho cụ.
- Sao chú mua nhiều thế?
- Con mua cho cả bạn con. Bây giờ con phải đi làm, bà cho con gửi đến chiều về con qua lấy.
Rồi gã nhấn ga lao đi. Gã cảm thấy vui vui.
Chiều hôm ấy mưa to xối xả. Gã nhìn những hàng cây đang oằn mình trong gió, gã chợt nhớ đến bà cụ và thương cho những phận nghèo bần cùng. Rồi gã cuốn vào công việc với nhiều âu lo. Gã quên hẳn bà cụ.
Một chiều chủ nhật, gã ghé qua quán trà đá ven đường. Chưa kịp châm điếu thuốc, gã chợt giật mình bởi giọng oang oang của một bà gần đó:
- Bà già bán rau chết rồi!
- Bà cụ hay đi qua đây hả chị? – Chị bán nước chè hỏi.
- Ừ. Tội nghiệp bà cụ. Cách đây mấy tuần bà cụ giở chứng cứ ngồi dưới mưa bên mớ rau. Có người thấy thương hỏi mua giúp nhưng bà nhất quyết không bán, rồi nghe đâu bà cụ cảm lạnh rồi chết.
Nghe đến đây, mắt gã chợt nhòe đi, điếu thuốc rơi khỏi lòng môi.
2.Câu chuyện thứ hai về chữ tín:
Ông bố có thói quen đọc báo. Sáng nào chở con gái đi học ông cũng ghé sạp báo dọc đường để mua một tờ. Vì bận công việc nên số báo hôm qua ông chưa kịp đọc. Ông dừng xe lại cạnh một quầy bán báo bên đường để hỏi mua. Người bán báo bảo rằng còn, nhưng để ở nhà, và hứa sáng mai sẽ đem ra cho khách. Ông bố cũng hẹn sáng mai ghé lại. Nhưng sau đó vì nóng lòng về tin thời sự trên số báo cũ ấy nên ông bố đã mua ở một sạp báo khác. Sáng hôm sau, chở con đi học, ông dừng xe hỏi mua tờ báo đã hẹn. Đứa con gái thấy thế thắc mắc: “Số báo đó đã mua rồi mà bố?". Ông bố bảo: "Không phải bố mua để đọc. Bố mua để giữ lời hứa".
Câu chuyện là bài học cảm động về chữ Tín. Giữ chữ Tín không phải là điều gì cao xa, vĩ đại. Giữ chữ tín chỉ đơn giản như hành động của bà cụ bán rau trong câu chuyện trên. Đó là bằng mọi cách phải giữ trọn lời hứa. Đơn giản nhưng không phải ai cũng có đủ kiên tâm để thực hiện. Lời hứa, không đơn giản là một lời nói ra, nó là cam kết thành tâm thực hiện.
Chữ Tín là tiền đề thúc đẩy mọi mối quan hệ. Chữ Tín là văn hóa trong kinh doanh, đem lại nét đẹp và thúc đẩy các mối quan hệ kinh doanh. Nhờ chữ Tín, con người có thể sát cánh bên nhau để vượt qua mọi gian nan thử thách của cuộc đời… .
Đức Phật dạy thực hiện được thì mới nói, đủ điều kiện thì mới nói, bình tĩnh thì mới nói, có lợi ích thì mới nói, cẩn trọng được thì mới nói.
- Thứ nhất, bản thân thấy có khả năng làm được thì đưa ra lời hứa, như người biết sửa xe thì hứa sẽ sửa xe.
- Thứ hai, bản thân thấy mọi điều kiện đã hội tụ giúp phát sinh lời hứa thành công thì đưa ra lời hứa, như người vừa trúng số độc đắc đủ khả năng mua nhà thì hứa sẽ mua nhà.
- Thứ ba, bản thân đang ở trạng thái bình thường, sáng suốt và nhận hiểu sự việc rõ ràng thì đưa ra lời hứa, như người không say rượu tự chủ hơn người đang say rượu.
- Thứ tư, bản thân nhận thấy làm việc này có lợi cho cả hai bên hay nhiều bên thì đưa ra lời hứa, như quyết định trồng cây giúp giữ màu xanh cho bản thân và nhiều người thì hứa như vậy.
- Cuối cùng, bản thân sau khi xem xét kỹ lưỡng thấy lời hứa này là cần thiết thì đưa ra lời hứa, như dịch vụ bảo trì động cơ sau khi bán là cần thiết thì nên hứa như vậy.
- Nói tóm lại, doanh nghiệp dù đưa ra ngàn lời hứa mà không thực hiện được không bằng đưa ra một lời hứa duy nhất mà lúc nào cũng thực hiện tròn trịa, chữ tín nằm ở chất lượng, không ở số lượng và nằm ở hành động hơn là lời nói.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét